SIU đồng hành cùng nhà giáo trong thời đại số
Ngày 30/11/2024, hội thảo chuyên đề “Kỹ năng giao tiếp & Xử lý khủng hoảng thông tin trên không gian mạng dành cho nhà giáo” đã diễn ra tại Nhà hát Diên Hồng, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU). Đây là sự kiện ý nghĩa thu hút đông đảo nhà giáo, sinh viên tham dự trong bối cảnh ngành giáo dục đối mặt với những thách thức từ sự bùng nổ thông tin trực tuyến.
Giao tiếp sư phạm được định nghĩa là sự tương tác một cách có ý thức, có tổ chức và đảm bảo tính khoa học giữa các chủ thể tâm lý thuộc quá trình giáo dục nhằm đạt được các mục tiêu giáo dục cụ thể.
Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A chia sẻ:“Trong kỷ nguyên số, giao tiếp sư phạm xoay quanh ba tiêu điểm chính: nhân cách nhà giáo với vai trò là chủ thể tâm lý, sự phát triển của các công cụ và tính năng hỗ trợ giao tiếp, và năng lực sư phạm kết hợp với khả năng quản trị thông tin.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với nhà giáo trong việc phát triển năng lực giao tiếp số, không chỉ để vượt qua các thách thức tiềm ẩn mà còn để bảo vệ danh tiếng cá nhân và sự nghiệp của mình.”
TS. Tâm lý học Tô Nhi A – một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lý và giáo dục
Từ những tình huống thực tế, TS. Tô Nhi A đã chỉ ra là những nguyên nhân gây ra khủng hoảng thông tin như: thiếu kiểm soát thông tin cá nhân, tin đồn chưa kiểm chứng hoặc việc sử dụng mạng xã hội thiếu cẩn trọng, thiếu kỹ năng xử lý tình huống. Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, chuyên gia nhấn mạnh: “Không bao giờ phản ứng ngay lập tức. Hãy dành thời gian đánh giá tình huống, tìm hiểu nguồn gốc vấn đề và tìm cách giải quyết.”
TS. Tô Nhi A cũng nhắn nhủ nhà giáo, trong thời đại số, giáo viên không thể đứng ngoài cuộc trước công cụ truyền thông. Bản thân mỗi giáo viên cần hiểu rõ trách nhiệm trong việc truyền tải thông tin minh bạch, đồng thời phải biết cách kiểm soát cảm xúc và xử lý khéo léo trước những tình huống nhạy cảm.
Hội thảo là không gian để các thầy cô cùng giao lưu, chia sẻ quan điểm cá nhân
Ấn tượng với lộ trình xây dựng và quản lý hình ảnh cá nhân của từng giáo viên mà diễn giả chương trình mang đến, thầy Lê Văn Tẫn – Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Hoa Lư, Quận 12, TPHCM, chia sẻ: “Hội thảo mang đến nhiều giá trị thiết thực, đặc biệt là những kỹ năng quản lý thông tin, xử lý khủng hoảng trên mạng xã hội và lộ trình xây dựng hình ảnh cá nhân của giáo viên. Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, hơn ai hết, người giáo viên cần ý thức cao về việc xây dựng hình ảnh cá nhân và nền tảng văn hóa để có bản lĩnh vững vàng trước mọi thử thách và thay đổi.”
Cô Nguyễn Thị Duyên – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Tp. Thủ Đức, TPHCM, cho biết: “Hội thảo lần này thực sự ý nghĩa và thiết thực đối với công việc, đặc biệt quan trọng và cần thiết với đội ngũ nhà giáo. Tôi rất ấn tượng với những kỹ năng mà diễn giả chia sẻ, từ cách tiếp cận vấn đề để thấy rằng góc nhìn của mỗi người là khác nhau, dẫn đến các cách giải quyết khác nhau. Quan trọng nhất là xác định mục tiêu – tốt cho ai, vì mục đích gì – để từ đó tìm ra cách xử lý phù hợp và hiệu quả.”
Nhận định hội thảo không chỉ đáp ứng mong muốn được cập nhật thông tin mới mà còn trang bị những kỹ năng giúp giáo viên tự tin xử lý khủng hoảng thông tin một cách bài bản, thầy Nguyễn Văn Duyên – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, tỉnh Đồng Nai, cho rằng: “Trong xã hội cách mạng công nghiệp, đặc biệt là sự phát triển của khoa học công nghệ các thầy cô có thể sẽ đối diện với một sự cố nào đó trên không gian mạng. Do đó các thầy cô nên bình tĩnh, tự tin và kiên trì để xử lý một cách bài bản theo hướng dẫn của các chuyên gia.”
Trong kỷ nguyên số, việc giao tiếp và xử lý khủng hoảng thông tin không chỉ là kỹ năng mà còn là trách nhiệm nghề nghiệp. Những nhà giáo sẵn sàng thay đổi và học hỏi sẽ là những người dẫn dắt học sinh vững bước trong thế giới đầy biến động.
Với sự tham dự của gần 400 nhà giáo đến từ các trường trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai…, hội thảo chuyên đề “Kỹ năng giao tiếp & Xử lý khủng hoảng thông tin trên không gian mạng dành cho nhà giáo” là sự kiện thể hiện cam kết đồng hành cùng đội ngũ giáo viên tạo dựng môi trường học thuật dựa trên sự đa dạng và tôn trọng khác biệt.
Sự kiện lần này còn nằm trong chuỗi hoạt động cộng đồng mà SIU đã và đang triển khai nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững trong giáo dục như: các lớp kỹ năng mềm dành cho giáo viên, chuyên đề tâm lý học đường dành cho học sinh, hội thảo về đổi mới sáng tạo và các dự án phục vụ cộng đồng tại các địa phương, hay các chương trình thiện nguyện tại các khu vực khó khăn.
Một số hình ảnh nổi bật khác tại sự kiện: