Các loại bệnh ung thư thường có triệu chứng sớm nhất là gì?

Đó là một trong những câu hỏi được đặt ra cho các diễn giả tại workshop “Ung thư: Tầm soát, phát hiện sớm, phòng ngừa và điều trị”.

Được tổ chức bởi Tập đoàn Giáo dục Quốc Tế Á Châu (GAIE), workshop “Ung thư: Tầm soát, phát hiện sớm, phòng ngừa và điều trị” diễn ra tại Nhà hát Diên Hồng (Trường Đại học Tư thục Quốc tế Sài Gòn) đã góp phần nâng cao kiến thức về “bệnh K” và xây dựng mạng lưới hỗ trợ trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, tiến tới gần hơn với mục tiêu kiểm soát bệnh ung thư của người tham dự.

GAIE đã mời đến workshop 2 chuyên gia trong lĩnh vực khoa học sức khỏe: GS.BS.TS Nguyễn Sào Trung – Nguyên Trưởng Khoa Y, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Nguyên Trưởng Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí MinhTS. Nguyễn Hoài Nghĩa – Giám Đốc/Trưởng nhóm nghiên cứu – Viện Di Truyền Y học và Công ty Cổ phần Giải Pháp Gene.

Hiện nay, 185/204 quốc gia có báo cáo thống kê về tình hình bệnh ung thư theo GLOBOCAN. Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Việt Nam cũng là quốc gia có số liệu tử vong do ung thư cao nhất châu Á (trên 70%). Chính vì vậy, vấn đề nâng cao kiến thức về dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư rất quan trọng, cần nhận được sự quan tâm của xã hội.

GS. TSKH Hoàng Văn Kiếm – Cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo SIU phát biểu khai mạc workshop

Với chủ đề “Có thể chủ động phòng ngừa và điều trị khỏi ung thư?”, GS.BS.TS Nguyễn Sào Trung đưa ra những số liệu cụ thể, minh chứng thực tế và các ảnh hưởng sâu rộng của căn bệnh này.

GS.BS.TS Nguyễn Sào Trung trình bày về các loại ung thư khác nhau

Ung thư là một nhóm lớn các bệnh do sự tăng sinh bất thường của tế bào, tồn tại lâu dài và ít phụ thuộc vào cơ thể, có khả năng xâm lấn hoặc lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư có thể xuất hiện ở mọi vị trí trên cơ thể người, mọi độ tuổi và đang có khuynh hướng trẻ hóa.

Đề cập đến các nguyên nhân gây nên ung thư, GS.BS.TS Nguyễn Sào Trung nhấn mạnh 1/3 số ca ung thư là do lối sống thiếu lành mạnh như: bệnh béo phì, thừa cân, ít dùng rau quả, ít rèn luyện thể dục, hút thuốc lá và uống rượu bia. Ngoài ra, các bệnh như viêm gan virus, HPV hay ô nhiễm môi trường, khí thải công nghiệp, mỡ động vật cháy, sóng điện tử, phóng xạ,… cũng có thể là nguyên nhân gây nên ung thư.

Căn cứ trên những yếu tố nguyên nhân ung thư, GS.BS.TS Nguyễn Sào Trung chỉ ra các phương pháp phòng ngừa bệnh ung thư hiệu quả gồm: Tránh tự “đầu độc” bằng thuốc lá, rượu, thực phẩm và lối sống “không lành mạnh”; Cân bằng dinh dưỡng với rau, củ, quả; Giảm căng thẳng, stress; Chú trọng rèn luyện thể chất. “Đặc biệt cần chủ động khám tầm soát, tư vấn, xét nghiệm di truyền để phát hiện và có những phác đồ điều trị phù hợp.” – GS.BS.TS Nguyễn Sào Trung nhấn mạnh.

Theo GS.BS.TS Nguyễn Sào Trung các triệu chứng “báo động” ung thư sớm gồm: rối loạn tiêu hóa, lở loét không lành, dễ chảy máu, dịch bất thường, nốt ruồi thay đổi tính chất, ho dai dẳng,…

Căn bệnh đầy nguy hiểm này có những phương pháp điều trị phổ biến hiện nay là phẫu trị, hóa trị và xạ trị. Tùy trường hợp bệnh mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp, hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác như PDT, laser, siêu âm, gen, liệu pháp nội tiết tố,… “Khi phát hiện dấu hiệu bệnh, tránh tâm lý hoang mang, chủ quan, bệnh nhân nên đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị theo hướng dẫn của chuyên gia.” – Ông Trung chia sẻ.

Tiếp tục workshop với chủ đề: “Ung thư và gen”, TS. Nguyễn Hoài Nghĩa đã mang đến những thông tin hữu ích về ứng dụng của gen trong phát hiện và điều trị ung thư.

TS. Nguyễn Hoài Nghĩa đưa ra những phát hiện về gen và ung thư di truyền

Theo TS. Nguyễn Hoài Nghĩa, ung thư di truyền là sự tích lũy của nhiều đột biến gen gây nên, do đó việc ứng dụng gen để phát hiện ung thư sớm giúp tăng tỉ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân lên gấp 4 lần. Ngoài ra, gen còn được ứng dụng trong phương pháp điều trị ung thư trúng đích và điều trị miễn dịch.

Cũng tại buổi workshop, nhiều câu hỏi về các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh ung thư, chế độ dinh dưỡng để phòng ngừa và điều trị ung thư,… cũng được đặt ra cho các diễn giả. Đáng chú ý, cả hai chuyên gia đều nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc duy trì lối sống lành mạnh có thể giảm thiểu khả năng mắc bệnh, mang lại dấu hiệu khả quan trong thời gian điều trị.

Nhiều câu hỏi được đặt ra cho các chuyên gia sức khỏe tại hội thảo

TS. Cao Thị Cẩm Vân, Trưởng ngành Kế toán SIU cho biết bản thân được trang bị nhiều hơn kiến thức về ung thư, những kiến thức mà người không chuyên về lĩnh vực y học ít khi được tiếp cận: “Theo chia sẻ của GS.BS.TS Nguyễn Sào Trung, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ ung thư cao, do đó kiến thức này thật sự rất bổ ích. Tôi hiểu rõ hơn về cách phòng ngừa, điều trị ung thư và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng tốt nhất để tránh được bệnh, thời gian tầm soát phù hợp khi có những dấu hiệu nghi ngờ, khám tổng quát để có thể có những phát hiện sớm nhất.”

Đây cũng là dịp để GAIE kết nối các chuyên gia y tế với cán bộ, nhân viên, phụ huynh, đối tác, HS-SV để cùng xây dựng mạng lưới hỗ trợ trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, tiến tới gần hơn với mục tiêu kiểm soát bệnh ung thư. Đồng thời thể hiện sự quan tâm tới sức khỏe và đời sống tinh thần tập thể cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên, người học,… của GAIE.

Một số hình ảnh nổi bật tại workshop:

Chia sẻ bài viết trên các trang mạng xã hội của bạn