Thống kê ứng dụng trong Tâm lý học: “Thống kê để hiểu và sử dụng dữ liệu”
Nhằm thúc đẩy sự phát triển kỹ năng nghiên cứu và định hình tương lai của sinh viên ngành Tâm lý học, workshop với chủ đề “Thống kê ứng dụng trong Tâm lý học” được tổ chức với sự tham gia của các diễn giả từ Đại học Toronto, Canada và Đại học Macquarie, Úc.
ThS. Phan Thị Cẩm Giang, phụ trách ngành Tâm lý học SIU, chia sẻ về tầm quan trọng của phương pháp thống kê đối với nghiên cứu và ứng dụng Tâm lý học
Workshop nhấn mạnh tầm quan trọng của thống kê trong nghiên cứu tâm lý học chuyên sâu và áp dụng thực tiễn trong lĩnh vực Khoa học thần kinh, Tâm lý học lâm sàng, Tâm lý học tổ chức và nhân sự. Bằng cách tương tác cùng các diễn giả có uy tín và giàu kinh nghiệm, sinh viên SIU được học hỏi về các phương pháp thống kê mới nhất và cách áp dụng chúng vào công việc và nghiên cứu của mình.
Mở đầu bằng một số phương pháp thống kê phổ biến trong NCKH lĩnh vực về Tâm lý học với những đặc thù riêng, ThS. Trần Quang Anh Minh, Giảng viên thỉnh giảng học phần Phương pháp thống kê trong Tâm lý học, cho rằng để sử dụng đúng thống kê cần xuất phát từ giả thuyết nghiên cứu, tìm ra các phương pháp phù hợp từ đó có thể áp dụng phần mềm hỗ trợ giải mã dữ liệu, song tiên quyết là phải hiểu được chức năng của mỗi loại thống kê.
ThS. Trần Quang Anh Minh giới thiệu một số trường hợp nghiên cứu trong thực tế tương ứng với các phương pháp thống kê cụ thể
ThS. Mai Hoàng Anh, tốt nghiệp chương trình thạc sĩ Tâm lý học Tổ chức và Nhân sự, Trường Đại học Macquarie – Úc, nhận định dữ liệu trong lĩnh vực thần kinh thường là một tập hợp các dữ liệu phức tạp, bao gồm các kết quả từ các phép đo sinh học, dữ liệu hình ảnh từ máy scan não, dữ liệu về hoạt động não từ EEG hoặc MRI, và nhiều loại dữ liệu khác. “Sự phức tạp của dữ liệu này đòi hỏi các phương pháp thống kê phức tạp và công cụ phân tích mạnh mẽ. Để đảm bảo tính chính xác và đối chứng của kết quả, người nghiên cứu có thể tiến hành chuẩn hóa dữ liệu đầu vào và chạy song song các phần mềm khác nhau để so sánh và kiểm tra tính nhất quán của kết quả thu được.” – diễn giả này nói.
ThS. Mai Hoàng Anh gợi ý các phương pháp thống kê hiệu quả trong lĩnh vực thần kinh và tâm lý học tổ chức và nhân sự.
ThS. Thomas Tan, tốt nghiệp chương trình Khoa học Thần kinh và Tâm lý học, Trường Đại học Toronto, Canada, bật mí 3 cách để trau dồi kỹ năng “thống kê” cho sinh viên từ con số 0 như tự tìm hiểu và nghiên cứu thông qua tài nguyên trực tuyến; thảo luận cùng bạn bè, đồng nghiệp, hoặc giảng viên; và vượt qua nỗi sợ “không biết”.
“Đối mặt và vượt qua nỗi sợ hãi về việc không hiểu hoặc không biết để thúc đẩy bản thân học hỏi và phát triển. Sự động viên và khích lệ bản thân là yếu tố quan trọng để tiến bộ trong việc học thống kê.” – ThS. Thomas nhấn mạnh.
Tại workshop, những lo lắng về độ phức tạp và độ lớn của lượng dữ liệu cần phải xử lý đều được diễn giả giải đáp nhiệt tình.
Bằng cách làm việc theo nhóm nhỏ, sinh viên có thể chia sẻ trách nhiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong việc xử lý dữ liệu, từ việc thu thập, làm sạch, đến phân tích và diễn giải kết quả. Điều này giúp phân chia công việc một cách hiệu quả, giảm áp lực cá nhân và tạo điều kiện cho sinh viên học hỏi từ nhau. Đây cũng là cơ hội để sinh viên phát triển kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, và quản trị thời gian.
Bên cạnh các xu hướng nghiên cứu mới, workshop còn là cơ hội để sinh viên SIU trao đổi về cơ hội học tập và sự phát triển của Tâm lý học ở các quốc gia phát triển, từ đó định hình bức tranh rõ nét về ngành nghề trong tương lai.
Một số hình ảnh khác tại workshop: