Sinh viên SIU tìm hiểu “vũ khí” hỗ trợ điều trị trầm cảm
Ngày 11/12, sinh viên ngành Tâm lý học đã có cơ hội tiếp cận liệu pháp kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM. Đây là công nghệ hiện đại đã và đang được ứng dụng hiệu quả trong điều trị trầm cảm và các bệnh lý tâm thần khác.
Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) là kỹ thuật điều trị không xâm lấn, sử dụng từ trường để kích thích tế bào não nhằm mục đích cải thiện triệu chứng trầm cảm. TMS thường được chỉ định khi các biện pháp điều trị khác chưa đạt hiệu quả. Trong quá trình điều trị, máy sẽ phát xung từ trường nhiều lần, lặp đi lặp lại nên phương pháp còn gọi là Kích thích từ trường xuyên sọ lặp lại (rTMS).
Theo BS.CK2 Nguyễn Trung Hoàng (Bệnh viện Tâm thần TPHCM), rTMS sẽ được chỉ định cho các bệnh nhân trầm cảm không đáp ứng hay hồi phục không hoàn toàn với ít nhất một nhóm thuốc chống trầm cảm hoặc không phối hợp với liệu pháp tâm lý. Bệnh nhân không thể dung nạp với tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm cũng sẽ điều trị bằng phương pháp này.
Bên cạnh lắng nghe bác sĩ chia sẻ về tính an toàn, những tác dụng phụ, sinh viên được giới thiệu cách vận hành máy rTMS, quy trình thực hiện phiên trị liệu cũng như hiểu rõ hơn về cơ chế tác động của từ trường lên các vùng não liên quan đến cảm xúc và hành vi.
Cách xác định vị trí điều trị và quy trình thực hiện liệu pháp kích thích từ trường xuyên sọ được giới thiệu đến sinh viên SIU
Trong buổi học, các bạn còn được được tiếp cận với máy đo điện não đồ (EEG – Electroencephalogram). Đây là công cụ quan trọng để phát hiện các rối loạn như động kinh, rối loạn giấc ngủ, và các vấn đề thần kinh liên quan đến tâm thần.
Sinh viên đã quan sát quá trình vận hành của máy EEG và tìm hiểu cách nó ghi lại các tín hiệu điện từ não bộ để phát hiện những bất thường liên quan đến các rối loạn thần kinh và tâm lý
Em Trần Thị Mỹ Sương, sinh viên năm 3 ngành Tâm lý học, chia sẻ: “Việc được tiếp xúc với các thiết bị như rTMS và EEG đã giúp em hình dung rõ ràng hơn về cách công nghệ hỗ trợ điều trị các rối loạn tâm thần. Đây là cơ hội để em học hỏi thêm những kiến thức thực tiễn mà trước đây chỉ được tiếp cận qua sách vở.”
Buổi học thực tế không chỉ đơn thuần là một hoạt động tham quan, mà còn mang tính định hướng cho sinh viên ngành Tâm lý học. Thông qua việc tiếp cận các phương pháp điều trị tiên tiến, sinh viên có thể tự đánh giá năng lực của bản thân, từ đó xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp phù hợp với xu hướng hiện đại trong lĩnh vực tâm lý học lâm sàng. Đồng thời, việc hiểu rõ cách công nghệ hỗ trợ điều trị giúp các bạn có cái nhìn toàn diện hơn về nghề nghiệp tương lai, đồng thời tạo động lực để nghiên cứu, phát triển các phương pháp điều trị mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội.
Một số hình ảnh khác tại buổi họ: