Đô thị đặc biệt – TP. Thủ Đức: Cần phải có những đặc quyền riêng
Đó là một trong rất nhiều giải pháp được đưa ra thảo luận tại Hội thảo khoa học chủ đề “Cơ sở đề xuất các giải pháp chính sách cho chính quyền TP. Thủ Đức đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.
Hội thảo vừa diễn ra tại Trường Đại học Tư thục Quốc tế Sài Gòn (SIU) sáng ngày 24/08/2023 và thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan, tổ chức, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn ở Trung ương và TPHCM. Với tính chất mới mẻ của mô hình này, nhiều học giả đã đề xuất những ý tưởng vừa mang tính hiến kế, vừa mang tính phản biện.
PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn – Trưởng Phòng Khoa học và HTQT, Trưởng Bộ môn Luật SIU, nguyên Ủy viên Chuyên trách – Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chủ nhiệm đề tài khoa học Thực trạng tổ chức và hoạt động của chính quyền TP. Thủ Đức, báo cáo tham luận Các giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội áp dụng cho chính quyền TP. Thủ Đức nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Cho rằng tốc độ đô thị hóa ngày một tăng nhanh dẫn đến sự phổ biến của mô hình chính quyền này trong tương lai, tác giả đề xuất nhiều giải pháp căn bản, toàn diện, lâu dài và ổn định, đặc biệt cần có một đạo luật riêng về chính quyền đô thị tại Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn nhận định chính quyền thành phố trong thành phố trực thuộc trung ương là một vấn đề chưa từng có tiền lệ.
Đồng ý với quan điểm trên, GS.TS. Phan Trung Lý – Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo SIU nhấn mạnh TP. Thủ Đức là một đô thị đặc biệt nên phải có những đặc quyền riêng của nó để đảm bảo tính chủ động, phát huy tối đa thế mạnh và tiềm năng vốn có.
GS.TS. Phan Trung Lý báo cáo tham luận Tổ chức chính quyền thành phố Thủ Đức – Cơ sở pháp lý và yêu cầu hoàn thiện
Trên cơ sở Nghị quyết 98/2023QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, nhiều báo cáo của học giả chỉ ra các “điểm nghẽn” và phân tích những điểm mở cho tổ chức và hoạt động của chính quyền TP. Thủ Đức.
ThS. Bùi Phương Thảo báo cáo tham luận Những điểm “mở” cho tổ chức và hoạt động của chính quyền TP. Thủ Đức thông Nghị quyết 98/2023QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM
ThS. Bùi Phương Thảo cho rằng vấn đề cấp bách nhất hiện nay là cụ thể hóa việc tăng thẩm quyền, phân cấp, ủy quyền bằng các quy định cụ thể từ TPHCM và cả chính quyền TP. Thủ Đức để Nghị quyết 98 sớm đi vào thực tiễn.
ThS. Lê Thị Phương Thảo báo cáo tham luận Tổ chức bộ máy chính quyền TP Thủ Đức theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội
Đồng thuận với đề xuất trên, ThS. Lê Thị Phương Thảo và nhóm nghiên cứu của mình đã khẳng định TP. Thủ Đức đáp ứng những tiêu chí cơ bản của đô thị loại I tương đương cấp tỉnh, song chỉ có thẩm quyền tương đương cấp quận huyện. Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách tạo xung lực ngắn hạn và dài hạn cho sự phát triển thành phố. Trong ngắn hạn, cần chú trọng phân quyền trong quản lý nhà nước, quy mô biên chế, cơ chế lương đặc thù, chính sách thu hút nguồn lực khoa học công nghệ chất lượng cao và ban hành hệ thống quy hoạch. Trong dài hạn, cần tập trung hoàn thiện thể chế chính sách, đẩy mạnh phân quyền-phân cấp tối đa và tăng cường hợp tác quốc tế, tham vấn chuyên gia cho mô hình phát triển của thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với các học giả trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ góc nhìn khoa học công nghệ, GS. TSKH Hoàng Văn Kiếm – nguyên chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước ngành Công nghệ thông tin, chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu ứng dụng Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, Cố vấn cấp cao SIU, đề xuất đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực tại chỗ song hành với các giải pháp vĩ mô như nâng tầm năng lực quản lý, đào tạo bổ sung và thu hút nhân lực trẻ chất lượng.
GS. TSKH Hoàng Văn Kiếm mong muốn các đơn vị giáo dục góp sức và khẳng định SIU luôn sẵn sàng đồng hành và tài trợ học bổng để phát triển tài năng cùng thành phố.
Tâm đắc với ý kiến của các nhà khoa học, PGS.TS. Nguyễn Văn Trình hiến kế để từng bước “nâng chuẩn” quản lý – bắt đầu bằng cách tái đào tạo vốn con người sẵn có và quy hoạch nguồn lực chất lượng cao bằng một lộ trình bài bản. Quá trình này cần sự đồng thuận cao của bộ máy.
PGS.TS. Nguyễn Văn Trình cho rằng chính sách về cơ chế lương đặc thù cũng là yếu tố quan trọng tạo nên sự đồng thuận cao
Bên cạnh không khí tranh luận sôi nổi trực tiếp tại SIU, hội thảo còn đón nhận nhiều ý kiến đóng góp đa chiều từ những nhà nghiên cứu, nhà khoa học tham gia qua nền tảng trực tuyến từ các đơn vị giáo dục khác.
Hội thảo là một bước quan trọng để đề xuất những giải pháp khả thi về mô hình chính quyền TP. Thủ Đức trong thời gian tới. Đồng thời gợi mở vấn đề là cần một giải pháp về thể chế ở tầm vĩ mô mới có thể giải quyết căn bản được những điểm “nghẽn” không chỉ đối với TP. Thủ Đức hiện tại mà đối với các thành phố tương tự có thể được hình thành trong tương lai.
Tọa lạc tại TP. Thủ Đức, SIU hiểu rõ trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển chung của đô thị đặc biệt này. Hiện SIU là đơn vị triển khai nhiều chính sách phát triển nguồn lực dành riêng cho đội ngũ cán bộ chính quyền tại TP. Thủ Đức, tại TPHCM và các tỉnh thành khác. |
---|
Một số diễn biến tại hội thảo khoa học: